Mến gửi các bạn đồng nghiệp,
Đời người thật ngắn ngủi, nhìn qua nhìn lại đã bao nhiêu năm qua tôi làm việc ở ngôi trường này. Thấy nhiều, biết nhiều nhưng rồi tôi vẫn cứ để đó. Để đó để làm gì nhỉ ? Để cho gió cuốn đi chăng? Đúng là tôi muốn để cho gió cuốn đi. Cuốn đi sự đời nhỏ nhen, thói tham lam danh vọng, những toan tính trong tiếng cười và lừa lọc đến phút cuối cùng. Tôi thầm thương cho những kiếp người đam mê mưu tính, cuồng si với hạnh phúc trên nỗi đau và khao khát giàu sang trên công sức của người khác.
Tôi đã bỏ hết, đi về với vô thường để hạnh phúc khi nhân gian quên đi mình. Thế mà tôi lại không đi được. Tôi không hiểu vì sao tôi quay lại, nhưng tôi đã quay lại, quay lại để chứng kiến thực sự hoa sen có thể trở thành một bông hoa có thể gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn hay hoa sen cũng chỉ là vũng bùn trong một vùng bùn lớn hơn mà thôi.
Có lẽ, lý do khiến tôi quay lại đó chính là những người cộng sự của tôi. Những người mà tôi ngỡ là mình đã quên họ và họ cũng đã quên mình. Họ tìm đến tôi như để tìm câu trả lời cho chính họ. Đọc 3 email mà tôi được gởi bởi một cô giáo nào đó trong trường, tôi cảm thấy một sự đồng cảm trong tận cõi lòng, quặng đau đến buốt tâm can. Một con chim khao khát đi đến tận cùng của bầu trời rồi ngỡ ngàng phát hiện mình ở trong một cái lồng, nhưng người ta đã an ủi nó rằng cái lồng ấy có thể to ra, to mãi ra nhưng cuối cùng hiểu rằng cái lồng đó có thể co dãn đôi chút rồi luôn trở về lại như cũ: hạn hẹp, trói buộc và thay trắng đổi đen.
Khi bắt đầu cuộc chiến, có một bạn đến hỏi tôi rằng liệu sau cuộc chiến, ngôi trường này sẽ trở nên như thế nào. Tôi khá buồn cười với câu hỏi đó. Vì nó quá đơn giản nên người ta cứ ngỡ là đã có sẵn câu trả lời. Đương nhiên là sau cuộc chiến, mọi thứ sẽ tốt đẹp, mọi người sẽ là người hơn, quyền lợi con người sẽ được bảo đảm. Nhưng liệu điều này có đúng với ngôi trường này nếu bà hiệu trưởng BTP tiếp tục chiến thắng ?
Để trả lời câu hỏi cho người bạn đó, tôi liệt kê 10 điều mà bà hiệu trưởng sẽ làm sau khi chiến thắng. Đây là tất cả cảm nhận sau bao nhiêu năm tôi làm việc ở trường. Có thể bạn đồng cảm hay không, nhưng các bạn có thể tin chắc một điều như cô giảng viên muốn nói trong 3 email trước mà tôi đã nhận, hãy đặt câu hỏi một cách nghiêm túc, bạn sẽ có câu trả lời cho chính bản thân mình:
Điều 1: Tiếp tục làm hiệu trưởng thật lâu, thật lâu.
Tôi nghĩ điều này thì khá rõ. Trong tất cả phát biểu của bà thì chưa có phát biểu nào nói về việc bà sẽ kết thúc việc làm hiệu trưởng ở trường này và những người thay thế cũng hoàn toàn không bao giờ được đề cập.
Điều 2: Hạ mức cổ tức xuống mức trần cổ phiếu chính phủ
Tôi cũng nghĩ điều này là điều không cần phải bàn vì bà đã nhiều lần tuyên bố. Chỉ lưu ý là mức cổ tức trần là như vậy nhưng nó có thể thấp hơn và có thể là không có. Bởi vì, khi đó, bà đã có đủ quyền để cho mình & người thân quen mức lương mà không ai muốn tin vậy.
Điều 3: Triệt để áp dụng vòng đời quản lý
Sau cuộc chiến này, tôi nghĩ bài học lớn nhất mà bà hiệu trưởng rút ra đó chính là để những người ở cấp quản lý làm việc quá lâu. Đơn giản là những người này sẽ trở nên rất nguy hiểm cho công cuộc làm hiệu trưởng của bà vì họ biết nhiều thông tin, gắn bó quyền lợi và tương lai với trường. Họ chính là tiềm ẩn cho việc đẩy bà khỏi ghế hiệu trưởng. Những người mới vào thì đương nhiên là không biết chuyện gì thật sự xảy ra trong ngôi trường này và cũng chưa thật sự gắn bó để đấu tranh cho sự phát triển của nó nên họ thường chọn im lặng và ra đi khi đối đầu với bà.
Thật ra, bà hiệu trưởng biết rất rõ điều này và đã triệt để áp dụng điều này từ trước. Tỉ lệ thay đổi cấp quản lý ở trường theo báo cáo chính thức là một con số cao không tưởng: 40%. Nhìn sơ qua các phòng tài chính, nhân sự, quản trị thông tin, hỗ trợ sinh viên, truyền thông...không có cấp trưởng phòng nào làm việc quá 4 năm. Theo tôi nghĩ, con số đẹp nhất mà bà hiệu trưởng chọn là khoảng bắt đầu năm thứ 3-4 là có thể kiếm chuyện gì đó để đẩy người quản lý đi. Chúng ta có thể điểm sơ một số trưởng phòng gọi là lâu năm như anh T, anh C, anh B, chị H. Trong các vị trí đó, anh B trong mắt mọi người có thể được xem là người ủng hộ bà hiệu trưởng. Nhưng nếu chúng ta nhìn kỹ, mới thấy anh B rất nhanh nhạy và rất hiểu bà hiệu trường, anh đã chuẩn bị đường thoát cho mình ngay sau lấy được bằng tiến sĩ.
Còn cấp quản lý cao nhất như ban giám hiệu thì sao ? Chính chị T là bài học mà bà hiệu trưởng đã rút ra. Cho dù bà đã chọn chị T làm hiệu phó vì chị T đơn giản, ngây thơ, tuyệt đối thần tượng bà và làm mọi thứ theo yêu cầu của bà nên bà nghĩ là đây sẽ mãi mãi không phải là mối lo lắng. Nhưng bà hiểu là bà đã lầm một con người như thế lại dám chống lại tham vọng của bà. Và đương nhiên suy nghĩ một cách hợp lý thì sau chị T thì các hiệu phó khác sẽ ra đi khi hết vòng đời quản lý bất kể những gì họ có theo hay không theo bà.
Điều 4: Bà hiệu trưởng triệt để áp dụng vòng đời giảng viên, nhân viên
Khái niệm vòng đời giảng viên được bà hiệu trưởng nhặt về sau khi nghe một số phát biểu về việc quản lý nhân viên tại doanh nghiệp. Bà đề cập khái niệm này ít nhất hai lần. Lần một là vào giai đoạn chuyển thời của trường 2005 - 2006. Bà đã nói là trường hoạt động như một doanh nghiệp, giảng viên ai thấy lương ít muốn đi thì đi, bà không bao giờ giữ lại. Câu nói này còn hằn trong tâm trí rất nhiều người và rất nhiều người đã bỏ trường ra đi. Vào năm 2005 -2006, những năm rất khó khăn của trường, thay vì động viên những giảng viên tâm huyết, bà lại tạt vào mặt họ gáo nước lạnh. Chưa bao giờ tôi thấy một cái trường nào giống như một cái chợ như trường này, nay vào, mai ra. Lần hai mà bà đề cập chính thức đến việc này là năm 2009 tại Cao Thắng khi xét lại mức lương của giảng viên. Thật buồn cười khi chính bà là người đề cập đến việc quản lý trường như một doanh nghiệp và ngày nay cũng chính bà muốn trường hoạt động không như một doanh nghiệp.
Để giảm bớt rủi ro cho việc bà làm hiệu trưởng (càng ít người biết quá khứ của bà càng tốt) nên việc áp dụng vòng đời giảng viên này là đương nhiên. Việc này khiến bà luôn trở nên lộng lẫy trong mắt của những người mới đến. Vì giảng viên không tiếp xúc trực tiếp với hiệu trưởng nên việc biết bản chất của bà thế nào sẽ mất nhiều thời gian hơn. Chính vì vậy, vòng đời giảng viên, nhân viên có thể lâu hơn, khoảng 4 - 5 năm.
Điều 5: Bà luôn áp dụng chính sách nhân sự cấp cao không đủ tầm
Có lẽ ít người tự hỏi vì sao trong trường bà hiệu trưởng nổi tiếng đến như vậy mà đều cho rằng điều đó là đương nhiên. Nhưng theo tôi, bà áp dụng chính sách: trảm hết những người giỏi hơn. Điều này thấy rõ khi cả hai hiệu phó đều là thạc sĩ. Khi có bổ nhiệm hiệu phó mới, bà lại tiếp tục bổ nhiệm một thạc sĩ khác. Điều này làm nhiều người rất bất ngờ khi vị trí mới lại bổ nhiệm lại không phải là ông Khang khi mà bà cố gắng tô vẻ hình ảnh của ông này.
Áp dụng chính sách này, không một ai trong các vị hiệu phó có thể tranh chấp việc làm hiệu trưởng nên bà một cách rất tự nhiên sẽ là hiệu trưởng mãi. Điều này đã khiến trường phát triển rất chậm hay hầu như không thể nào phát triển được vì các vị hiệu phó đều không đủ tầm để hỗ trợ cho sự phát triển của trường.
Điều 6: Bà hiệu trưởng thao túng hoàn toàn các tổ chức bảo vệ nhân viên, giảng viên, sinh viên của trường
Mọi người trong trường đều sống trong sự sợ hãi quyền lực của bà hiệu trưởng và những kẻ theo bà. Một điều tôi nghĩ nhiều người cũng cảm nhận là mỗi khi có một sự việc gì đó xảy ra đối với một người trong trường, người đó sẽ ra đi một cách rất nhanh chóng và không ai bảo vệ người đó hết.
Trường hợp nhiều người có thể biết là anh VC, nhiều năm làm cho UN thì quay lại làm cho trường. Không ai có thể phủ nhận làm việc cho UN là rất khó và là một điều đáng hãnh diện. Vậy vì cớ gì mà anh VC lại phải ra đi một cách tức tưởi sau khi cố gắng gởi 1 email với nhiều đoạn ghi âm các cuộc nói chuyện với phòng nhân sự, ban giám hiệu. Chẳng lẽ một người đã làm cho UN có thể là người "xấu". Và vì cớ gì khi anh tố cáo việc mua mấy cái máy lạnh cũ, không một ai đứng ra bảo vệ anh còn bà hiệu trưởng gởi một cái email nói rằng ai có thắc mắc gì thì lên gặp trực tiếp bà ?!!
Còn rất nhiều trường hợp khác đã xảy như trường hợp cách đây vài năm, người ta không quên được khi các em sinh viên làm phong trào dẫn dắt toàn bộ các hoạt động sinh hoạt sinh viên bị nghi ngờ là lấy 200 ngàn tiền tài trợ của doanh nghiệp và các em phải bị đình chỉ học 1 năm? Các em đã tổn thương rất nặng nề chỉ vì bà hiệu trưởng muốn lấy đó làm gương cho việc trong sạch cho dù không có một minh chứng nào cho việc các em lấy số tiền đó.
Nhiều sự việc đã xảy ra nhưng cũng giống như viên đá chọi xuống ao bèo, gợn sóng và chìm lỉm. Vì sao ? Vì sao một trường có tiếng như trường này mà ai ai cũng lo sợ, phải cúi đầu vâng dạ một bà hiệu trưởng ? Trả lời câu hỏi này rất đơn giản. Nhân viên, giảng viên và sinh viên họ cô độc. Không ai bảo vệ họ.
Có thể kể ra 3 tổ chức bảo vệ giảng viên, nhân viên và sinh viên trong trường đó là tổ chức Đảng, Công đoàn và Hội sinh viên. Cả 3 tổ chức này hoàn toàn nằm trong tay bà hiệu trưởng. Bí thư đảng ủy, chủ tịch công đoàn và chủ tịch hội sinh viên chỉ là công cụ trong tay bà hiệu trưởng. Thay vì bảo vệ những người cần được bảo vệ thì họ lại hùa theo bà hiệu trưởng để trấn áp. Tôi vẫn tin là họ có lương tri để thấy điều đó nhưng lương tri đó đã teo tóp lại nhường chỗ cho sự sợ hãi và ....
Điều 7: Bà hiệu trưởng biến trường thành một kiểu công ty gia đình kỳ dị và hút cạn tài chính của trường
Theo quy luật của xã hội hiện nay, tất cả các dự án đều có một phần tạm gọi là "hoa hồng" cho phía chủ đầu tư. Điều này phổ biến trong tất cả mọi hình thức mua bán và đặc biệt trong xây dựng. Có một quy luật bất thành văn là nếu chủ đầu tư sẽ được hưởng ít nhất 10 - 15% giá trị công trình. Điều này có đúng cho trường hợp của trường ? Giả sử thay vì mua 1 đồng thì người ta báo 10 đồng có được không ? Khi tôi đặt câu hỏi này với một số bạn trong trường thì họ nói hoàn toàn không thể vì bà hiệu trưởng là một người có đạo đức. Tạm thời, tôi không phân tích về việc bà có đạo đức hay không nhưng trong trường, ai là người còn có thể ngăn chặn bà làm việc đó. Có thể nào một mét vuông sàn xây dựng trường tại NVT có thể là 19 triệu (không tính tiền đất) trong khi giá bán nhà chung cư chỉ khoảng 10 triệu ? Trong điều kiện không có một sự kiểm soát nào thì bà hiệu trưởng toàn quyền quyết định giá mua, giá bán và bỏ túi phần chênh lệch. Kết quả là trường sẽ không bao giờ có còn có tiền để đầu tư và phát triển chứ đừng nói chi đến việc chia cho cổ đông.
Mang tiếng là cổ phần, tiền bạc là của cổ đông nhưng quyền quyết định hoàn toàn ở trong tay bà hiệu trưởng. Còn ai sau cuộc chiến có thể ngăn cản được bà hiệu trưởng làm điều bà muốn ? Điều này có thể thấy rất rõ là bà hiệu trưởng chèn những người thân thuộc vào các vị trí quyết định như ban dự án của trường. Ngoài ra, ông hiệu phó mới thay thế chị T, tôi hoàn toàn nghĩ là ông sẽ phù hợp với vị trí hợp thức hóa mọi hoạt động của bà hiệu trưởng nhằm rút tiền trường bỏ túi riêng. Ai cũng biết bà hiệu trưởng tham quyền lực. Nhưng quyền lực sẽ luôn cần tiền bạc đi kèm. Bà cần tiền để thực hiện các tham vọng của mình và đương nhiên, bà sẽ không dừng lại ở việc dùng tiền để củng cố vị trí mà còn sẽ bỏ túi riêng. Chỉ sau khoảng thời gian, tôi tin là trường sẽ thông báo lỗ triền miên cho đến khi cổ phiếu có giá trị bằng những tờ vé số trật.
Điều 8: Bà hiệu trưởng làm chất lượng đào tạo đi xuống
Đã có rất nhiều báo động về chất lượng đào tạo cũng như tỉ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp nhưng tất cả chỉ dừng lại ở việc cảnh báo. Còn lý do tại sao thì lại không thể nào chỉ rõ ra được. Ngay trong cuộc họp lý do tỉ lệ sinh viên đạt tốt nghiệp đúng hạn so với các năm sụt giảm nghiêm trọng, tất cả các khoa và người chịu trách nhiệm chính về đào tạo của trường không thể rút ra bất cứ một nguyên nhân nào cụ thể. Và điều tất yếu là không một giải pháp nào được đề xuất.
Chất lượng đào tạo đi xuống là điều đương nhiên. Những giảng viên, quản lý giỏi đều đã ra đi. Những giảng viên chưa ra đi thì không còn tâm huyết gì với việc giảng dạy. Cấp quản lý hoặc không có khả năng hoặc không nghĩ họ sẽ gắn bó lâu dài với trường nên không toàn tâm toàn sức cho việc nâng cao chất lượng giảng dạy. Và điều tồi tệ hơn nữa là họ biết cho dù họ có đề xuất cái gì có hay đi nữa thì cấp quản lý cao nhất cũng sẽ gạt đi hết vì trình độ đã yếu mà còn sợ người ta giỏi hơn mình. Đây chính là hệ quả của chính sách nhân sự cấp cao không đủ tầm của bà hiệu trưởng áp dụng. Thay vì cấp cao nhất đề xuất các giải pháp cho các vấn đề thì cấp cao nhất luôn bắt các cấp dưới đề xuất rồi từ đó lựa chọn các giải pháp tốt nhất. Khốn thay, cấp cao nhất cũng không đủ trình độ để biết lựa chọn cái nào để thực hiện. Do đó, họ lấy đại một cái nào đó rồi thực hiện. Nếu thành công, là công lao của hiệu trưởng, nếu thất bại, đó là lỗi của cấp dưới đề xuất. Điều nghịch lý trong lãnh đạo này kiềm hãm sự phát triển của trường và điều sẽ đến phải đến: chất lượng đào tạo tuột dốc mãi mãi.
Điều 9: Bà hiệu trưởng làm trường hoàn toàn cô lập với bên ngoài
Với bản chất hẹp hòi và mưu mô như bà hiệu trưởng, trường càng ngày càng bị cô lập với các trường khác, với các sở ban ngành. Có người đã phát biểu là các trường bạn luôn xem trường này là một ngôi trường tự kỷ. Trong nhiều lần tổ chức gặp gỡ đầu năm với các doanh nghiệp, các đơn vị bạn có ai thật sự ghi nhận ghi lại sự suy nghĩ của các người tham dự? Nhiều người đã nói với tôi là không hiểu tại sao lại mời họ đến để rồi dành diễn đàn và rao giảng những triết lý cho họ. Trong đợt tổ chức đầu năm nay, bà hiệu trưởng đã được ghi nhận là đã biết ngồi nghe người khác nói. Nhưng sự thay đổi đó có xuất phát từ việc bà ngộ ra vấn đề hay là có âm mưu gì sau đó ?
Mọi người trong trường chắc đều không lạ gì việc bà hiệu trưởng đả kích hoạt động, chính sách của các sở ban ngành. Tôi không nói chuyện đó đúng hay sai nhưng nếu chúng ta nhìn kỹ trường chúng ta được gì sau những việc làm đó. Một hiệu trưởng dám nói sự thật ? Một hình ảnh lộng lẫy hiên ngang khiến giảng viên, nhân viên nể phục ? Ngoài ra, trường đạt được gì ? Một sự cô lập của thành phố. Nhìn kỹ khi thấy các trường bạn như NTT, HT được thành phố tạo những điều kiện thuận lợi cấp đất, tạo điều kiện mở campus, tham gia nhiều dự án. Thế còn trường này ? Một số không rất tròn trĩnh. Sự đả kích này có phải chỉ nhằm che dấu đi sự bất lực của bà trong việc đưa trường đi lên và tạo hình ảnh đối nội cũng như lấy lòng các tri thức Việt kiều là chủ yếu?
Điều 10: Bà hiệu trưởng sẽ làm trường sụp đổ
Có thể nói trường chúng ta đang sống trong hào quang mà chúng ta tự vẽ lên và mãn nguyện với nó. Khi nhìn sự phát triển nhanh chóng của các trường dân lập khác, chúng ta thấy họ có những sự vượt trội về kết quả đạt được và quan trọng hơn, đó là những chiến lược phát triển dài hạn hợp lý. Trong khi đó, ngôi trường này đang vất vả ngược xuôi với các chiến lược phát triển khoa trương nhưng không có giá trị thực tế. Thay vì lo cho sự phát triển của trường, bà hiệu trưởng mỗi ngày toan tính diệt đi tất cả những kẻ giỏi hơn mình, những kẻ có thể ảnh hưởng đến việc bà tiếp tục làm hiệu trưởng. Bà tự dựng lên các câu chuyện phi lợi nhuận, một tay che mặt trời, từng ngày từng ngày thâu tóm và cướp đi cả một ngôi trường. Khi quyền lực nằm trong tay một người có cái đầu toan tính hạn hẹp lại được dẫn dắt bởi tham vọng tầm thường thì việc trường sẽ sụp đổ là điều tất yếu.
Tôi đã gặp nhiều người trong cuộc đời nhưng bà BTP là một người khá đặc biệt. Một người có thể tóm lại trong 3 chữ: giả dối, nhẫn tâm và độc đoán. Sau chiến này, nếu cái thiện không thắng được cái ác, sự thật không thắng được sự dối trá thì tôi không tin ai còn đủ sức để có khả năng chống lại bà để trường này có thể là hoạt động thực sự như một trường đại học bình thường trên thế giới. Hãy cùng nhau để hoa sen thật sự là một bông hoa đẹp trong vũng bùn chứ không phải là một vũng bùn trong một vũng bùn khác lớn hơn.
Chào tạm biệt,
Quay đầu là bờ!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét