Thứ Bảy, 5 tháng 7, 2014

Đổi thay (Bài viết của 1 GV Hoa Sen)

Sài Gòn mấy hôm nay mưa nhiều nên cũng bớt nóng. Mưa ở Sài Gòn mưa ào một trận, nước ngập lênh láng. Nước ngập thì kẹt xe. Quanh năm Sài Gòn cũng chỉ quanh quẩn mấy chuyện nắng, bụi, mưa, ngập. Ở ngôi trường đại học mà chúng tôi giảng dạy thì cũng chỉ quanh quẩn mấy chuyện dạy, thi, chấm, nộp.

Trong vòng xoay đó, tôi đã thay đổi rất nhanh nhưng tôi không hề hay biết. Gương soi để có thể giúp phát hiện những thay đổi bên ngoài nhưng không thể nào biết những thay đổi từ tận bên trong. Có lẽ giống như những viên đá trên kê nơi bếp lò của ông táo, một ngày vô tình lăn tròn xuống đất, bị vỡ vụn mới biết mình đã rệu rã từ bao giờ.

Bao năm làm việc ở ngôi trường này, tôi vẫn làm việc, vẫn yêu thương những học trò của mình, vẫn cố gắng để đem đến những kiến thức mới nhất, những bài học dễ hiểu để các em có thể áp dụng vào nghề nghiệp. Niềm tin về những cống hiến của tôi cho việc giảng dạy là động lực cho tôi vượt qua nhiều thử thách trong cuộc sống. Nhiều khi nhìn lại, có thể mặt này mặt kia tôi thua bạn bè, nhưng tôi luôn tin mình làm đúng. Cứ tưởng rằng như thế đã đủ, nhưng đến một ngày, tôi chợt hiểu, khi cây đã không còn có gốc thì lá không thể có màu xanh. Tình cờ tôi đã phát hiện ra điều đó sau khi buổi hội thảo Phi lợi nhuận do trường tổ chức, tôi gặp lại một người bạn rất thân nhưng từ lâu đã không gặp.

Được tin cô giáo chủ nhiệm thời trung học bị bệnh, lớp cũ của tôi tổ chức ghé thăm. Tôi gặp lại nhiều bạn bè cùng lớp, trong đó có nhỏ bạn mà chúng tôi đã có bao nhiêu là quá khứ chung. Mừng vui gặp lại nhau, tôi hẹn bạn tôi gặp nhau ở một quán nước ở Thanh Đa, ngay cạnh dòng sông Sài Gòn vào một buổi chiều, sau khi chúng tôi đã sắp xếp xong mọi công việc để có thể hoàn toàn thoải mái khi nói chuyện với nhau.

Tôi tới sớm hơn một chút vì tôi muốn có thêm một chút thời gian để tạm thời gác đi những suy nghĩ, ràng buộc hàng ngày. Bán đảo Thanh Đa dường như tách bạch với cuộc sống bận rộn của thành phố. Ở đây, mọi thứ lặng lẽ hơn, gió thổi nhè nhẹ, những nhánh lục bình trôi hiền hòa. Thỉnh thoảng, những gợn sóng do tàu chạy ngoài xa lan vỗ vào bờ.

Bạn tôi đến trông thật là xinh trong váy phớt hồng, và đeo một thắt lưng làm duyên rất ấn tượng. Nhớ lại ngày xưa bạn tôi xinh xắn, tính tình lại hòa đồng trong lớp nên được mọi người để ý. Có một tính cách của bạn mà tôi rất thích là bạn tôi yêu thương bạn bè và có thể sẵn sàng vì bạn mà làm tất cả.

Bạn tôi tốt nghiệp đại học luật, sau hai năm làm ở văn phòng luật sư, hiện nay đã thành luật sư và làm ở một văn phòng luật sư khá có tiếng ở đất Sài Gòn. Sau những câu chuyện về tuổi thơ, chúng tôi đổi sang khá nhiều chủ đề. Càng nói chuyện với bạn, tôi càng cảm thấy bạn mình cái gì cũng biết và sự tự tin của nhỏ bạn khiến tôi tự nhiên rụt rè. Một cảm giác buồn buồn lan tỏa trong con người của tôi. Cảm giác đó đi đến đâu là làm cho tôi bị như bị tan chảy ra đến đó. Nhưng tôi cố gắng đè nén để bạn mình không thấy được.

Sau một hồi nói chuyện, tôi chẳng còn biết gì để nói nên đành quay lại chủ đề của trường về câu chuyện trường Hoa Sen, nơi tôi đang giảng dạy. Trường của chúng tôi với sự lãnh đạo của cô hiệu trưởng trong suốt thời gian dài luôn được nói đến như một ngôi trường có chất lượng, tỉ lệ sinh viên có việc làm vượt trội. Ngoài những điều tốt đẹp, trường tôi cũng nổi tiếng về việc học phí khá cao. Tuy nhiên, những thầy cô giáo như chúng tôi không nghe thấy phi lợi nhuận hay lợi nhuận được phát ngôn ở trường. Cho đến một ngày, chúng tôi được biết trường có nguy cơ bị chi phối bởi một số cổ đông lớn thì câu chuyện phi lợi nhuận đã được một nhóm nghiên cứu bao gồm trưởng khoa KTTM và cô hiệu trưởng khởi xướng. Nội dung nghiên cứu này là làm cách nào để chuyển hóa trường thành phi lợi nhuận trong hoàn cảnh trường đang bị chi phối bởi cổ đông lớn. Phương thức được đề nghị là thành lập một cái quỹ, huy động tiền từ chính bản thân trường, các đơn vị tự nguyện quyên góp và lực lượng giảng viên. Tiền quỹ được dùng để mua lại cổ phiếu từ các cổ đông và quỹ sẽ được quản lý bởi một công ty quản lý quỹ.

Tôi bắt đầu câu chuyện:

- Bây giờ ở trường Hoa Sen, mọi người bàn bạc của về chuyện của trường. Trường đã tổ chức hội thảo về phi lợi nhuận. Bây giờ trường phải lập cái quỹ, rồi phải có cái công ty quản lý quỹ để quản lý cái quỹ đó nhằm cứu trường bảo đảm trường trở thành phi lợi nhuận. Rất nhiều giảng viên tham dự các khoa đặc biệt như khoa KTTM, NNVH, KHCN và tất cả trưởng các phòng như phòng đào tạo, tài chính, quản trị thông tin, nhân sự, truyền thông,... đều tham dự. Khi bế mạc, hơn 90% mọi người tham gia hội thảo đồng ý với việc phi lợi nhuận và thành lập quỹ.

Bạn tôi hồ hởi hỏi :

- Bên trường bạn quyết tâm dữ ha. Trường có chọn công ty quản lý quỹ nào chưa ? Tại Việt Nam có vài công ty quản lý quỹ gì đó. Có cần mình giới thiệu không ?

Tôi cũng không rõ trường đã chọn công ty nào chưa nên lắc đầu:

- Mình cũng không biết, không nghe mọi người nói về chuyện đó.

Bạn tôi ngạc nhiên:

- Sao kỳ vậy, phải chọn công ty quản lý quỹ chứ. Cần phải lưu ý về quá trình lịch sử và kinh nghiệm các công ty này. Phải chọn công ty để đem lại lợi nhuận cao nhất nhưng cũng phải an toàn cho vốn đầu tư.

Tôi lắc đầu:

- Đâu có cần lợi nhuận gì đâu, chỉ cần trích tiền của trường bỏ vào quỹ, rồi quỹ đó sẽ đi mua cổ phần từ các nhà đầu tư cho đến khi nào mua xong hết thì thôi. Trường là phi lợi nhuận mà.

Bạn tôi cỏ vẻ không hiểu:

- Bạn hiền nói cái gì mà mình không hiểu gì hết trơn. Công ty quản lý quỹ là công ty của người ta đâu phải là công ty của mình. Công ty quản lý quỹ sẽ tìm kiếm hoặc thiết lập 1 danh mục đầu tư nhằm mục đích kiếm lời cho các nhà đầu tư. Các nhà đầu tư không can thiệp vào hoạt động của công ty này. Và đương nhiên, đầu tư thông qua 1 công ty quản lý quỹ thì mục đích vẫn là lợi nhuận và luôn có rủi ro.

Tôi vẫn không hiểu ý bạn tôi:

- Nhưng mình không thích đầu tư vào mấy hạng mục người ta thì sao ?

Bạn tôi có vẻ hiểu ý:

- Ah, thì ra bạn muốn người ta tư vấn xem đầu tư cái nào có lợi hơn hả ? Công ty quản lý quỹ nó có chức năng đó luôn. Nếu các bạn cần tư vấn thì người ta sẽ tư vấn cho bạn mua bán cái nào sẽ có lời nhiều nhất.

Có vẻ như tôi và nhỏ bạn đi trên hai đường thẳng song song hay sao mà không hiểu nhau gì hết trơn. Cứ mở miệng là nói lời, lời rồi lại lời, người ta đang nói là không lời mà:

- Bây giờ ví dụ mình có tiền, mình thành lập cái quỹ riêng của mình, mình muốn làm cái gì thì làm, người ta chỉ quản lý và nghe lời mình thôi, có được không ?

Bạn tôi lại "Ah" một cái nữa, chắc là hai đứa đã hiểu nhau:

- Bên trường bạn hiền muốn thành lập cái quỹ cá nhân phải không ? Bây giờ mình mới hiểu. Mà bên bạn hiền muốn đầu tư mạo hiểm vào các công ty mới nổi để kiếm lời hả. Các công ty quỹ sẽ có thể làm việc này được. Nhưng mà công ty quản lý quỹ người ta chỉ làm dịch vụ thôi, bên trường bạn phải có ai rành tài chính lắm mới được đó nha. Nhưng mức phí khá cao đó. Phí có thể tính trên % lợi nhuận hoặc tiền dịch vụ. Cái này khá mạo hiểm. Quyết định lạng quạng là lỗ sạch. Bộ cô hiệu trưởng là dân tài chính hả ?

Tôi lắc đầu:

- Từ Hội thảo NPF ( Non Profit Fund), thật sự đó mới chỉ là bước khởi đầu của Nhóm nghiên cứu , các thành viên trong nhóm nghiên cứu lại không phải là các chuyên gia trong lãnh vực tài chính và đầu tư mà chủ yếu là chuyên ngành lịch sử và toán tin. Ý kiến của nhóm nghiên cứu cho rằng : Sẽ thành lập 1 quỹ mang tên XYZ với chức năng đang hoạt động tương tự như các quỹ Đầu tư phát triển , Khen thưởng , Phúc lợi…, dùng quỹ này để mua lại cổ phiếu từ các cổ đông. Sau khi mua hết cổ phiếu từ các nhà đầu tư lớn thì trường sẽ an tâm với mục tiêu phi lợi nhuận

Bạn tôi lại gục gặt cái đầu có vẻ không hiểu:

- Thường thì người ta nhờ quỹ đầu tư để kiếm lời nếu mình không biết đầu tư. Còn nếu biết đầu tư nhưng nhờ người ta hỗ trợ thì có thể thành lập quỹ cá nhân nhưng đâu phải vì mục đích mua lại chính mình. Bộ bên bạn cổ phiếu Hoa Sen rớt giá lắm hay sao mà phải mua cổ phiếu về dưới hình thức là cổ phiếu quỹ.

Tôi cũng đã từng nghe từ cổ phiếu quỹ nhiều lần nhưng chưa hiểu nó là gì:

- Cổ phiếu quỹ là gì vậy bạn ?

Bạn tôi cười:

- Cổ phiếu quỹ là cổ phiếu quỹ chứ gì nữa. Thường thì khi giá cổ phiếu công ty giảm quá, chính công ty sẽ mua lại cổ phiếu của công ty để giữ giá hoặc làm giảm bớt khối lượng cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường. Sau này khi giá cổ phiếu tăng lên trở lại, người ta có thể bán. Đặc tính của cổ phiếu quỹ là không chia cổ tức và không tham gia biểu quyết . Và như thế bạn phải hiểu là việc mua lại 1 số cổ phiếu dưới hình thức cổ phiếu quỹ thì bản chất vấn đề của trường bạn chưa thể giải quyết mục tiêu NPF.

Tôi hiểu ra rồi nên mới giải thích:

- Bên trường mình không có giống vậy bạn ơi ! Cô hiệu trưởng chỉ muốn lập quỹ để mua lại Hoa Sen và nhờ công ty quản lý quỹ. Nhờ đó sẽ thoát khỏi mấy cổ đông lớn đang thao túng trường chứ không liên quan gì đến lời lỗ. Nếu trường tự lập công ty quản lý quỹ được không ?

Bạn tôi có vẻ ngán ngẩm với mấy cái tôi nói, hai tay che mặt, rồi mở hai bàn tay và cười tươi như hoa:

- Không ! Một cái trường đại học sao tự nhiên đi thành lập Công ty quản lý quỹ. Đừng có ấu trĩ vậy chứ ! Cả Việt Nam chỉ có vài công ty quản lý quỹ do Ủy ban chứng khoán nhà nước cấp phép hoạt động , Đại học Hoa Sen muốn thành lập cái tiếp theo hả ? Công ty quản lý quỹ được giám sát rất chặt chẽ bởi UBCKNN và có ngân hàng quản lý tài khoản . Đâu phải muốn mở là mở. Nhóm nghiên cứu NPF của ông Khang gì đó có CFA level mấy ?

Tôi lí nhí, gãi đầu:

- Mình không biết ông Khang có CFA level mấy nữa. Mở công ty quản lý quỹ để quản lý thôi mà khó dữ vậy. Hay là mình làm cái quỹ nội bộ được không ?

Bạn tôi chống tay lên cằm:

- Thì đương nhiên trường của bạn muốn làm gì thì làm. Nhưng quỹ nội bộ đó giống như chơi hụi vậy bạn ạ . Người ta có thể xoay chuyển theo mục đích cá nhân của người điều hành . Trong thực tế giựt hụi vẫn có thể xảy ra . Ở chợ Bình Tây , chợ An Đông cũng đã xảy ra mà bạn không biết à .

Tôi cũng chẳng biết nói sao với bạn mình. Nhưng tôi nhớ hôm đó ông thầy Khang có nói về mấy cổ đông muốn lấy cái trường này. Mọi người phải bán cổ phiếu cho quỹ. Mà theo ý của ông Khang, tôi cảm thấy nếu mình không bán cổ phiếu cho quỹ thì có vẻ như là đi ngược lại với mục tiêu hoạt động của trường đại học, không đồng lòng hiệp sức giữ trường. Nhưng qua lời giải thích của bạn thì tôi thấy lập một cái quỹ như vậy thật quá xa vời. Tôi hạ giọng hết mức có thể để nói với bạn mình:

- Hôm đó tại hội thảo, ông Khang nói với mọi người là nếu ai có cổ phiếu thì đứng bán cho cổ đông lớn mà bán lại cho quỹ, cho dù người ta có mua cao cũng đừng bán. Bán như vậy có thể không có đạo đức.

Bạn tôi chợt hiểu ra gì đó nhưng cố gắng kiềm chế và nói với tôi:

- Bạn hiền nói mình nghe xem, tại sao có gì liên quan đến đạo đức ở đây ? Cổ phiếu là của bạn mà.

Tôi trả lời:

- Thì đúng vậy. Nhưng người ta hiểu là nếu không bán lại cho quỹ hay cô hiệu trưởng là không có đạo đức.

Bạn tôi thở dài, ngồi ngẫm nghĩ rồi với giọng hết sức nhẹ nhàng, bạn bảo tôi:

- Nè, bạn hiền. Bạn làm sao vậy ? Trường của bạn là trường có tiếng , nhân viên và thầy giáo đều là những người có bằng cấp mà sao lại có thể coi thường họ như vậy? Tại sao lại suy nghĩ điều đó là vô đạo đức ? Nếu con bạn bị bệnh, bạn đang cần có tiền, bạn có cân nhắc sẽ bán cổ phiếu cho ai không ? Bán cho cô hiệu trưởng , bán cho cái quỹ gì đó hay bạn cần bán nhanh nhất để có tiền mua thuốc cho con ? Ngây thơ quá !

Bạn nhìn tôi như buồn, như lo nhưng cũng như đang giận tôi. Tôi cảm thấy bối rối về cách suy nghĩ của mình. Tôi có cảm giác như mình thật ngây thơ trước bạn. Một sự ngây thơ đến độ tôi có cảm giác mặc cảm với chính bạn của mình. Mà ngây thơ có thể không phải. Tôi nghĩ dốt nát sẽ đúng hơn. Cảm giác dốt nát khiến tôi có mặc cảm với bạn của mình.

Bạn tôi nhìn xa xa về phía chân trời, nơi những nhánh lục bình trôi, trôi mãi. Một vài cánh chim vội vã quay về tổ trước hoàng hôn. Bất giác, bạn quay sang nhìn tôi, nắm nhẹ bàn tay của tôi:

- Tại sao bạn lại có thể nghĩ về đạo đức trong một vấn đề nó rõ ràng đến như vậy. Đã từ rất lâu trước công nguyên, Aristotle đã cho rằng công lý phải dựa trên cách sống tốt đẹp nhất. Có nghĩa là người ta sẽ nêu lên một cách sống tốt đẹp nhất rồi từ đó mọi người sẽ sống theo cách đó. Quan điểm đó đã dẫn đến xây dựng hình mẫu trong cuộc sống. Tất cả những gì trái với hình mẫu đó sẽ được xem như là trái với công lý và bị luận tội. Sau đó, các lý thuyết mới về công lý dần được thay đổi và người ta đề cao sự tự do lựa chọn quan điểm sống của bất kỳ công dân nào. Immanuel Kant, Jonh Rawls cho rằng các nguyên lý của công lý không nên dựa trên bất kỳ quan niệm cụ thể nào về đạo đức, lối sống. Thay vào đó, xã hội phải tôn trọng quyền tự do của mọi công dân.

Bạn tôi thở dài nhìn tôi:

- Bạn hiền đã thay đổi quá nhiều, bạn có biết không ? Ngày xưa, bạn luôn là người học giỏi nhất lớp, luôn luôn có những ý nghĩ sáng tạo cho mọi câu hỏi của thầy cô trong lớp. Nhớ ngày bạn quyết định đi dạy ở trường đại học, cả lớp đều rất vui mừng. Khi đó, đi dạy vẫn là cái nghề ít được người ta thật sự tôn trọng vì thu nhập quá thấp. Những người không còn lựa chọn nào khác mới phải đi dạy. Cả lớp rất vui mừng vì cả lớp đã hi vọng bạn sẽ là người thầy, người cô đem lại những kiến thức, kỹ năng cho các đàn em. Lớp có một điều không nói ra đó chính là hi vọng bạn với tuổi trẻ và những suy nghĩ thoáng, bạn sẽ tạo điều kiện cho các em có một môi trường giáo dục kích thích sự sáng tạo, không đi theo những lối mòn xưa cũ.

Tôi thảng thốt:

- Đâu có, mình vẫn dạy các em hết lòng. Mình luôn cố gắng đem lại những kiến thức mới, những kỹ năng có thể hỗ trợ các em khi ra trường làm công việc mà mình đã lựa chọn. Mình thật sự cố gắng, mình không quên những gì cả lớp đã mong đợi.

Tuy thanh minh với bạn, nhưng dường như trong tôi có sự bất ổn nào đó tâm hồn xuất hiện. Bạn tôi ngồi lặng lẽ, khuôn mặt đâm chiêu:

- Trường Hoa Sen vẫn luôn đề cao phương pháp giảng dạy lấy sinh viên làm trung tâm. Thầy cô chỉ là người gợi các vấn đề cho các em cần suy nghĩ. Nhưng bạn hãy nhìn bạn lại xem.

Tôi bối rối:

- Mình hiểu chuyện đó mà. Mình vẫn luôn tôn trọng ý kiến sinh viên và vẫn sửa lỗi mỗi khi các em sai.

Bạn tôi nét mặt nghiêm nghị nhìn tôi:

- Bạn có thật sự làm được điều đó không ? Bạn hoàn toàn không làm được điều mà bạn nghĩ là bạn đang làm được. Trong môi trường đại học của bạn, mọi người đều không có quyền được nói lên những gì bạn suy nghĩ. Làm gì có những hội thảo nào mà hơn 90% người đồng ý với chính kiến của người dẫn hội thảo và những người khác chỉ biết im lặng. Ngay cả các triết gia lừng danh đều luôn bị chất vấn gay gắt và ít có ai được sự đồng ý như thế ngay từ lúc ban đầu, thậm chí đến lúc người đó chết đi.

Bạn tôi càng nói càng quyết liệt hơn:

- Hãy nhìn lại ngôi trường của bạn. Làm gì có chuyện sinh viên là trung tâm khi cô hiệu trưởng là hình mẫu trung tâm của mọi câu chuyện và những gì cô nói ra là chân lý. Tất cả mọi người trong trường chỉ biết cúi đầu, vâng dạ những gì cô nói như một thánh sống. Các bạn có thắc mắc, nghi ngờ thì các bạn cũng chẳng dám nói lên điều đó. Các trưởng khoa đều vâng dạ lời của cô. Các thầy cô thì vâng dạ lời trưởng khoa. Và kết quả đương nhiên là sinh viên chỉ có thể vâng dạ lời các thầy cô. Vậy thì còn đâu là sự sáng tạo. Bản chất của một môi trường không có sự sáng tạo thì làm sao sản phẩm đào tạo của môi trường đó lại có thể có sự sáng tạo.

Những câu nói của bạn tôi như những sợi dây buộc chặt lấy tôi. Mỗi lúc nó càng siết chặt hơn khiến tôi đau đớn.

Bạn tôi chợt hạ giọng nhẹ nhàng hơn:

- Bạn ơi ! Bạn không còn là con người của ngày xưa mà mình biết nữa. Bạn đã thay đổi mà bạn không hề biết. Bạn đã chấp nhận sự dối trá và chối bỏ sự khác biệt. Một sinh viên có ý kiến khác bạn rồi sẽ ra sao ? Bạn có thật sự chấp nhận ý kiến đó hay rồi cũng từ từ bằng cách này cách khác khiến em đó có suy nghĩ giống bạn ? Bạn có chấp nhận sự khác biệt ? Và khi bạn không chấp nhận sự khác biệt, đó chính là khởi đầu của sự lụi tàn.

Một cảm giác tội lỗi xâm chiếm trái tim tôi. Một trái tim mà tôi nghĩ đã dành trọn cho việc giảng dạy. Biết bao lâu nay, tôi vẫn nghĩ tôi đã dành những gì tốt nhất cho các em nhưng tôi đã sai ư ? Một cây viết xanh thì sẽ viết ra mực xanh nhưng khi người ta bơm mực đen vào thì nó chỉ có thể viết ra mực đen. Chẳng lẽ tôi đã bị nhuốm màu đen trong một môi trường mà bây giờ người ta vẫn cho là mẫu mực nhất trong xã hội rối ren hiện nay ?

Bạn tôi vẫn nhẹ nhàng như thế nhưng có thể vì lo cho tinh thần của tôi có thể bị sụp đổ nên đã đi qua ngồi ngay cạnh tôi:

- Bạn à, tư duy sáng tạo trong trường đại học là điều cốt lõi. Nhưng bạn cũng biết, sáng tạo cần phải được hướng dẫn, khuyến khích và tập luyện. Thế mà trong môi trường đại học của bạn, các thầy cô không những không được khuyến khích sáng tạo, họ cũng chẳng có cơ hội để luyện tập mà họ lại phải luôn chấp nhận những hình mẫu của bên trên với một nỗi lo sợ họ sẽ chẳng giống ai hay bị luận tội khi phủ nhận điều đó. Một ngày, một tháng, một năm rồi mười năm, bạn đã thay đổi mà không hề biết. Bạn đã trở thành y hệt hình mẫu của mình.

Tôi thẫn thờ, buông mình và hoảng hốt:

- Mình đã cố gắng. Mình làm tất cả vì các em. Nhưng bạn nói đúng, mình đang trở thành hình mẫu đó.

Bạn tôi ôm lấy bờ vai của tôi và thì thầm:

- Ai cũng biết bạn đã nỗ lực để dạy dỗ lớp đàn em. Nhưng bạn đã quên cách sáng tạo thì làm sao mà dạy các em sáng tạo. Và còn tệ hơn nữa, chính bạn lại là người cản trở sự sáng tạo sơ khai của các em. Vì sao vậy ? Vì chính cái hình mẫu mà bạn đang theo đó. Hãy tỉnh dậy và đặt câu hỏi với hình mẫu đó. Hãy đi những bước đi đầu tiên của sáng tạo bằng cách đặt câu hỏi "Tại sao?". Không có gì là quá muộn. Bạn hoàn toàn có khả năng để làm điều đó.

​​Hoàng hôn buông xuống. Những tia nắng cuối cùng sắp tắt. Trời về đêm càng yên tĩnh hơn. Vài ngôi sao nho nhỏ xuất hiện, lấp lánh. Có những người thích bình minh vì đó là khởi nguồn của ngày mới, sự thay đổi. Nhưng cũng có những người thích hoàng hôn vì đó là sự yên tĩnh, sự suy tư cho những gì đã qua. Và dù thế nào, cho dù hoàng hôn và bình minh có khác biệt, thì không thể buộc tội một người thích hoàng hôn khi cả thế giới còn lại nói rằng họ thích bình minh. Sáng tạo bắt đầu từ sự khác biệt.

CongLy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét